Những điều cần làm để tiếp tục học lên bậc học cao hơn – kỳ tháng 8 - 神戸東洋日本語学院

Những điều cần làm để tiếp tục học lên bậc học cao hơn – kỳ tháng 8 - Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo

Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo

Những điều cần làm để tiếp tục học lên bậc học cao hơn – kỳ tháng 8

Hàng tháng, chúng tôi sẽ giới thiệu những việc bạn cần làm để có thể học tiếp lên đại học hoặc cao học tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp tại Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo.

Dưới đây là những việc bạn cần làm trong tháng 8.

 

1.  Quyết định trường mình sẽ dự thi

Nếu đã đọc bài viết kỳ tháng 6 và tháng 7 của chuyên mục này, tôi nghĩ các bạn đã tham gia các buổi open campus cũng như thu thập thông tin và tham gia giờ học thử của các trường đại học mình quan tâm. Đồng thời, các bạn cũng đã biết được kết quả kỳ thi JLPT, EJU và hiểu được mình đang ở trình độ nào rồi đúng không. Dựa trên những thông tin đã thu thập được đó, các bạn hãy quyết định trường mà mình sẽ dự thi.

Khi mùa thu tới thì cũng là lúc các trường bắt đầu tuyển sinh. Do đó, nếu bạn chưa quyết định được trường mình sẽ dự thi ngay trong tháng 8, thì việc đó sẽ gây ảnh hưởng tới việc ôn thi của bạn. Vậy nên, nhất định hãy đưa ra quyết định cuối cùng trong tháng 8 nhé.

Để chắc chắn, thay vì chỉ lựa chọn duy nhất một trường để dự thi, các bạn hãy chọn ra hai hoặc ba nguyện vọng. Và tôi khuyên các bạn nên lựa chọn dựa trên ba căn cứ sau: “A: Trường mà mình muốn vào”, “B: Trường mà mình có nhiều khả năng thi đỗ”, “C: Trường phù hợp nhất với trình độ của mình”.

Về nguyện vọng “A”, các bạn hãy lựa chọn trường mà mình muốn vào nhất trong số các trường đã tìm hiểu và tham quan. Trong hầu hết các trường hợp, nguyện vọng “A” này sẽ thường là những trường có yêu cầu cao hơn một chút so với thực lực của bạn. Tuy nhiên, dù đó có thể là một thử thách khó khăn nhưng đừng từ bỏ và hãy thử dự thi nhé.

Về nguyện vọng “B”, có thể coi đây là phương án dự phòng giúp bạn có thể tiếp tục ở lại Nhật Bản trong trường hợp bạn bỏ lỡ cơ hội nhập học vào ngôi trường mình mơ ước. Với nguyện vọng này, các bạn nên chọn những trường yêu cầu đầu vào dễ hơn so với khả năng của bản thân để đảm bảo rằng chắc chắn bạn sẽ thi đỗ.

Về nguyện vọng “C”, hãy lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất với năng lực của bạn hiện tại. Nếu như nguyện vọng A quá khó còn nguyện vọng B lại quá dễ, vậy thì tôi khuyên bạn lựa chọn nguyện vọng C. Bởi vì nguyện vọng C là ngôi trường phù hợp nhất với trình độ hiện tại của bạn nên nó còn có một ưu điểm là sau khi nhập học bạn sẽ ít cảm thấy bất mãn hay gặp khó khăn đối với chương trình học. Nếu có dư dả về thời gian và tài chính, tôi khuyên các bạn nên cân nhắc dự thi một trường trong nhóm nguyện vọng C này.

Các bạn hãy quyết định trường mình sẽ dự thi dựa vào những điều trên nhé.


2. Tới tham quan và học thử tại trường mà mình sẽ dự thi

Sau khi quyết định dự thi trường nào, bạn hãy tham gia kengakukai (buổi tham quan và học thử tại trường đại học) để kiểm tra xem ngôi trường đó có thực sự ổn hay không (nếu bạn đã làm điều này trước khi quyết định dự thi thì có thể lược bỏ bước này). Những yếu tố bạn cần xem xét thật kỹ bao gồm: vị trí của trường có thuận tiện hay không, cơ sở vật chất có được trang bị đầy đủ hay không, học sinh đang theo học tại trường là những người như thế nào… Đồng thời, nếu có điều gì chưa hiểu rõ thì bạn có thể trực tiếp hỏi giáo viên hay các sinh viên khóa trên tại buổi kengakukai này. Đặc biệt là những vấn đề mà nếu không hỏi thì bạn sẽ không bao giờ biết, chẳng hạn như chế độ hỗ trợ học phí hay hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên… Hãy hỏi tất cả những điều mà bạn quan tâm để không hối hận sau khi đã nhập học. Trong số đó cũng có một số giáo viên sẽ cung cấp cho các bạn thông tin về kỳ thi đầu vào. Đừng quên ghi chú những thông tin này vì nó sẽ giúp bạn tăng cơ hội trúng tuyển.

Sau khi tham gia kengakukai và xác nhận rằng bạn thực sự muốn vào học tại ngôi trường này thì đó là lúc bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào.


3. Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết

Có rất nhiều tài liệu mà các bạn cần chuẩn bị trước khi dự thi lên bậc học cao hơn. Trong đó, những tài liệu mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất sẽ thường là các tài liệu được cấp ở đất nước mà trước kia bạn đã sinh sống và học tập. Một số tài liệu tiêu biểu có thể kể tới là:

・ Giấy chứng nhận tốt nghiệp, bảng điểm tại bậc học cuối cùng

・ Giấy chứng nhận tốt nghiệp, học bạ bậc học trung học phổ thông

・ Giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, Giấy xác nhận nộp thuế, Giấy chứng minh hoặc thẻ căn cước của người hỗ trợ tài chính

Trong số các tài liệu kể trên, cần lưu ý rằng bạn cần nộp “Giấy chứng nhận tốt nghiệp” chứ không phải “Bằng tốt nghiệp” mà bạn được phát một lần duy nhất vào thời điểm tốt nghiệp. Có không ít trường hợp sinh viên nhầm lẫn giữa hai loại tài liệu này và chỉ chuẩn bị “Bằng tốt nghiệp”, vì vậy các bạn hãy lưu ý để không mắc phải sai lầm này nhé.

Thường thì các bạn sinh viên quốc tế sẽ về nước vào dịp nghỉ hè. Khi đó, các bạn hãy nhớ mang theo các tài liệu trên khi quay trở về Nhật Bản. Đối với những bạn không về nước dịp này, hãy nhờ gia đình, bạn bè gửi những tài liệu này sang Nhật càng sớm càng tốt nhé.

Hãy chuẩn bị các tài liệu này ngay trong tháng 8 để kịp thời đối phó với mọi vấn đề phát sinh nếu có.


Như vậy, trong tháng 8, điều các bạn cần làm là chọn trường dự thi và chuẩn bị hồ sơ để khi bước sang mùa thu thì có thể ngay lập tức tham dự kỳ thi đầu vào. Từ thời điểm này trở đi các bạn sẽ trở nên bận rộn hơn, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn những lời khuyên hữu ích để giúp các bạn có thể chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho kỳ thi tuyển sinh đầu vào.


Và trên đây là toàn bộ nội dung “Những điều cần làm để tiếp tục học lên bậc học cao hơn – kỳ tháng 8”.

[Giáo viên tiếng Nhật T]

single