Kỳ thi đại học ở Nhật Bản và phương pháp học tập chuẩn bị cho kỳ thi
<Phần 1: Về việc lựa chọn trường đại học>
Liên quan tới chủ đề “Kỳ thi đại học ở Nhật Bản và phương pháp học tập chuẩn bị cho kỳ thi”, tôi xin chia làm nhiều phần và gửi tới các bạn nội dung của từng phần vào mỗi tháng.
Tôi sinh ra trong một gia đình quản lý và điều hành một trường luyện thi, trước khi vào làm việc tại Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo, tôi đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm làm công việc hướng dẫn luyện thi vào các trường đại học của Nhật Bản.
Khi đó, tôi chủ yếu phụ trách môn Toán học và Hóa học. Ngoài ra, tôi cũng đảm nhiệm cả công việc tư vấn hướng nghiệp và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Từ những kinh nghiệm của mình, tôi xin cung cấp cho các bạn một số thông tin liên quan tới kỳ thi đại học tại Nhật Bản. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn du học sinh sắp sửa tham dự kỳ thi đầu vào.
Phần đầu tiên là “Về việc lựa chọn trường đại học”.
Việc lựa chọn trường đại học là một quyết định trọng đại trong cuộc đời của bạn. Đây cũng là một dịp để bạn xem xét lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, cũng như những người xung quanh vẫn luôn ủng hộ bạn.
Những tiêu chí cần xem xét khi lựa chọn trường đại học gồm có:
1. Vấn đề tài chính như học phí và chi phí sinh hoạt
2. Học lực (xu hướng nộp đơn đăng ký dự thi phù hợp với học lực của bản thân…)
3. Định hướng tương lai sau khi tốt nghiệp đại học
(tỷ lệ tìm được việc làm, những nơi làm việc chủ yếu…)
4. Vị trí của trường đại học
5. Nội dung nghiên cứu tại trường đại học
6. Danh tiếng của trường đại học
Mỗi người sẽ có góc nhìn khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung sẽ có 6 yếu tố như ở trên.
“1. Vấn đề tài chính như học phí và chi phí sinh hoạt” và “4. Vị trí của trường đại học” là những tiêu chí không thể bỏ qua, bởi vì bạn sẽ gắn liền với nó trong suốt 4 năm liền. Trong các tiêu chí này sẽ bao gồm: giao thông thuận tiện, an ninh tốt, cơ sở hạ tầng y tế hoàn thiện, quy mô thành phố, vật giá, giá thuê nhà và môi trường làm việc bán thời gian,…
Về “6. Danh tiếng của trường đại học”, có nhiều lý do quyết định một trường đại học có độ nhận diện cao chẳng hạn như trường được tin cậy tại địa phương hay có tiêu chuẩn đánh giá đầu vào cao. Do đó, trong giới thi cử ở Nhật Bản, người ta thường chia các trường đại học thành các nhóm, có thể kể ra một số nhóm như dưới đây.
① Kyu-Teidai(旧帝大): chỉ các trường Đại học Hoàng gia của Nhật Bản, nằm trong số các trường đại học quốc lập.
[Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku, Đại học Tokyo, Đại học Nagoya, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Kyushu]
② Kyu-Nibunridai(旧二文理大): trước kia, ở Nhật Bản chỉ có duy nhất 2 trường đại học đào tạo đồng thời khối Khoa học Xã hội và khối Khoa học Tự nhiên.
[Đại học Tsukuba, Đại học Hiroshima]
③ Kyu-Sanshodai(旧三商大): 3 trường đại học thương mại duy nhất tồn tại theo hệ thống cũ.
[Đại học Hitotsubashi, Đại học Kobe, Đại học Thành phố Osaka]
④ Tokyo-Roku Daigaku(東京六大学): Đại học Tokyo, Đại học Waseda, Đại học Keio, Đại học Meiji, Đại học Hosei, Đại học Rikkyo.
⑤ Kankandoritsu(関関同立): Đại học Kansai Gakuin, Đại học Kansai, Đại học Doshisha, Đại học Ritsumeikan.
⑥ Sokeijori(早慶上理): Đại học Waseda, Đại học Keio, Đại học Sophia, Đại học Khoa học Tokyo.
⑦ GMARCH: Đại học Gakushuin (G), Đại học Meiji (M), Đại học Aoyama Gakuin (A), Đại học Rikkyo (R), Đại học Chuo (C), Đại học Hosei (H).
⑧ Nittokomasen(日東駒専): Đại học Nihon, Đại học Toyo, Đại học Komazawa, Đại học Senshu.
⑨ Sankinkoryu(産近甲龍): Đại học Kyoto Sangyo, Đại học Kinki, Đại học Konan, Đại học Ryukoku.
⑩ Sesshintsuito(摂神追桃): Đại học Setsunan, Đại học Kobe Gakuin, Đại học Otemon Gakuin, Đại học Momoyama Gakuin.
Ngoài ra vẫn còn nhiều nhóm trường đại học khác, tuy nhiên các nhóm trường đại học đều được xếp dựa vào danh tiếng và thứ hạng của trường.
Có một thời gian, nhóm trường đại học cũng được coi là một điều kiện tuyển dụng của nhiều công ty.
Về việc lựa chọn trường đại học như chủ đề của bài viết lần này, nhiều du học sinh không biết các trường đại học tại Nhật Bản cụ thể như thế nào, vì vậy tôi khuyến khích các bạn hãy thử tham gia các buổi Open Campus của trường đại học bất kỳ. Điều tiếp theo tôi khuyên các bạn hãy làm đó là phân tích để hiểu rõ bản thân mình. Hãy cố gắng viết ra những điều bạn mong muốn ở trường đại học, điều bạn muốn làm sau khi tốt nghiệp đại học,…
Điều này sẽ có ích cho các cuộc phỏng vấn, bài luận và bài tự giới thiệu sau này.
- Tại sao bạn làm việc? Vì tiền, vì sự tín nhiệm của xã hội hay vì bạn muốn làm những điều bạn yêu thích như một nghề,…
- Vị trí của bạn trong cuộc sống đại học? Các bước cần thực hiện để hướng tới mục tiêu cao hơn, để trau dồi kiến thức và kỹ năng, mở rộng tầm hiểu biết, để tận hưởng khoảng thời gian trước khi chính thức kiếm việc làm, để tìm ra những gì bạn muốn làm trong tương lai. Các bạn hãy thử suy nghĩ về điều này một cách chân thành.
- Thứ tự ưu tiên của 6 tiêu chí chọn trường ở trên? Với trường hợp học sinh trung học phổ thông ở Nhật Bản, ngoài 6 tiêu chí kể trên có thể có thêm những tiêu chí khác nữa chẳng hạn như muốn học lên đại học ngay khi tốt nghiệp hay dù có phải chờ thêm một năm thì vẫn muốn dự thi vào trường mình mong muốn…
Nếu bạn chuẩn bị trước những điều này thì trong các cuộc tư vấn hướng nghiệp hay tham vấn với phụ huynh, các bạn sẽ có thể truyền đạt những suy nghĩ của mình một cách mạch lạc. Hơn thế, nó sẽ là kim chỉ nam giúp các bạn ôn luyện để thi đầu vào. Việc học thi sẽ thường gặp trục trặc hơn là suôn sẻ, vì vậy điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị tinh thần để không nản chí. Đích đến của “nỗ lực” không chỉ là “học tập chăm chỉ” mà là để sau này có thể tự nhủ rằng “thật tốt vì mình đã làm nó”.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ giải thích về bảng xếp hạng các trường đại học ở Nhật Bản, các bạn hãy đón đọc nhé.
[Nhân viên phòng đối ngoại F]