Những điều gợi nhớ đến mùa hè ở Nhật Bản – Phần 1: Yukata
Khi nhắc đến mùa hè của Nhật Bản, bạn sẽ nhớ tới điều gì? Có rất nhiều thứ có thể đại diện cho mùa hè ở nơi này như là lễ hội mùa hè, pháo hoa, si-rô đá bào,… nhưng với tôi, tôi sẽ nghĩ ngay đến một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Nhật Bản là Yukata và chuông gió. Trong bài viết kỳ này, tôi xin giới thiệu với các bạn một số hiểu biết của tôi về Yukata của Nhật Bản.
1. Nguồn gốc và lịch sử của Yukata
Với sự phổ biến của các phòng tắm công cộng, yukata bắt đầu được các nhà quý tộc từ thời Heian mặc để không bị bỏng khi tắm hơi. Khởi nguồn của từ yukata được cho là từ "Yukata-bira", một loại trang phục dùng để mặc khi đi tắm trong thời Heian.
Kể từ thời Azuchi-momoyama, nó bắt đầu được sử dụng rộng rãi với mục đích hút ẩm từ da sau khi tắm và và phát triển thành yukata vào thời Edo cùng với sự phát triển của văn hóa thị dân.
Vào giữa thời kỳ Edo, yukata bắt đầu được sử dụng để mặc ra ngoài đường phố.
Bước vào đầu thời Minh Trị, công nghệ nhuộm vải mới được ra đời và việc sản xuất ra hàng loạt trở nên khả thi, vì vậy yukata đã trở thành một loạt trang phục thường ngày vào mùa hè trên khắp cả nước.
Kể từ đó đến nay, những bộ yukata với hoa văn và chất liệu đa dạng liên tục được sản xuất ra, cho phép mọi người ở bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào đều có thể mặc khi tham gia các sự kiện đặc trưng tổ điểm cho mùa hè như lễ hội Bon-odori, lễ hội mùa hè, lễ hội pháo hoa,…
2. Đâu là sự khác biệt giữa yukata và kimono?
Đây là một câu hỏi khá phổ biến, đặc biệt người nước ngoài cũng thường nhầm lẫn và khó phân biệt được hai loại trang phục này. Trước hết, yukata là một loại kimono, tuy nhiên, nếu đem ra so sánh yukata và kimono, chúng ta có 5 điểm khác biệt chính như sau.
1) Mục đích sử dụng: Yukata thường được sử dụng trong các tình huống bình thường, hàng ngày, còn kimono được sử dụng nhiều vào các dịp trịnh trọng hơn.
2) Kimono được mặc bên trên một lớp áo khác gọi là naga-juban (hoặc han-juban), còn yukata thì không, mọi người sẽ mặc yukata trực tiếp lên trên trang phục lót.
<Hình ảnh minh họa naga-juban>
3. Về thắt lưng (obi), của kimono có rất nhiều loại obi, chẳng hạn như Fukuro-obi (袋帯), Nagoya-obi (名古屋帯), Hanhaba-obi (半幅帯),…nhưng với yukata, nếu đeo thắt lưng quá dày sẽ khá bí và nóng nực, vì vậy thường dùng dùng 2 loại obi là Hanhaba-obi và Heko-obi (兵児帯).
4. Khi mặc kimono, mọi người sẽ phải đi tất (tabi - 足袋) rồi đi guốc (geta -下駄); khi mặc yukata, mọi người sẽ đi guốc bằng chân trần.
5. Chất liệu vải dùng làm yukata thường mỏng và có tính thông thoáng khí tốt hơn loại vài dùng làm các loại kimono khác.
Thật thú vị khi chúng ta có thể hiểu sâu hơn về văn hóa của Nhật Bản thông qua yukata, một trong những nét văn hóa đặc trưng vào mùa hè của Nhật Bản. Bằng cách này, việc học tiếng Nhât cũng trở nên vui hơn.
Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số hiểu biết của tôi về chuông gió (風鈴), một nét văn hóa truyền thống đặc trưng vào mùa hè khác của Nhật Bản, hãy cùng đón đọc nhé.
[Nhân viên người Việt Nam – M]