Chuyển nhà tại Nhật Bản (phần hai)
Trình tự từ khi hủy hợp đồng đến khi dọn ra khỏi nhà cũ
Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ nghĩ đến việc chuyển nhà khi sinh sống tại Nhật Bản trong một thời gian dài. Có rất nhiều thủ tục khác nhau cần làm trước và sau khi chuyển nhà. Việc này đặc biệt khó khăn đối với các du học sinh mang quốc tịch nước ngoài chẳng hạn như du học sinh đến từ Trung Quốc hay Việt Nam.
Vì vậy, tôi muốn giới thiệu tới các bạn quy trình để có thể chuyển nhà một cách thuận lợi ở Nhật Bản, bắt đầu từ lúc bạn quyết định chuyển đi đến khi bắt đầu cuộc sống tại nơi ở mới.
Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua loạt bài này, các bạn sẽ kiểm tra thật kỹ các công việc cần làm và tiến hành chuẩn bị để không bỏ sót những điều quan trọng cũng như tránh được những rắc rối không đáng có.
Lần trước tôi đã giới thiệu về “Trình tự từ khi tìm nhà đến khi dọn vào nhà mới”, nên trong bài viết “Trình tự từ khi hủy hợp đồng đến khi dọn ra khỏi nhà cũ” kỳ này, tôi xin được giới thiệu một số thủ tục cần làm khi hủy hợp đồng thuê nhà và chuyển ra khỏi nhà cũ mà rất có thể các bạn du học sinh sẽ bất ngờ khi biết.
[Bước 1] Thông báo cho chủ nhà rằng bạn sẽ dọn đi
Khi bạn đã quyết định ngày chuyển nhà, hãy kiểm tra mốc thời gian thông báo việc chuyển đi của bạn được quy định trong hợp đồng thuê nhà. Thông thường, trong hợp đồng sẽ ghi mốc thời gian này là “trước 1 tháng” hoặc “trước 2 tháng”, vì vậy cho đến khi đó bạn phải truyền đạt các thông tin bao gồm quyết định trả nhà, ngày chuyển đi, ngày bàn giao nhà cho chủ nhà.
[Bước 2] Nộp đơn xin hủy hợp đồng thuê nhà
Khi liên lạc với chủ nhà về việc chuyển nhà, bạn sẽ nhận được mẫu “Đơn xin hủy hợp đồng thuê nhà”, bạn hãy điền đầy đủ thông tin cần thiết và gửi lại. Trong một số trường hợp, mẫu đơn này được đính kèm trong “Hợp đồng thuê nhà”và được bàn giao cho bạn khi ký hợp đồng thuê nhà.
[Bước 3] Tiến hành các thủ tục cần thiết
Khi chuyển nhà sẽ có rất nhiều thủ tục cần phải hoàn thành. Về cách thức thực hiện và thời điểm thích hợp để tiến hành các thủ tục này, tôi sẽ được giới thiệu trong bài viết tiếp theo, “Các thủ tục cần thiết khi chuyển nhà”, các bạn hãy đón đọc nhé.
[Bước 4] Tiến hành chuyển nhà
Vì khi bàn giao nhà, bạn sẽ cần trao lại chìa khóa cho chủ nhà nên trước ngày bàn giao nhà bạn cần dọn dẹp tất cả đồ đạc của mình, sao cho tình trạng căn phòng trở về trạng thái giống như lúc bạn chuyển vào.
[Bước 5] Dọn dẹp lại toàn bộ nhà
Trước khi dọn đi, các bạn hãy dọn dẹp lại căn nhà thật sạch sẽ. Từ khi có quyết định chuyển nhà, bạn hãy bắt đầu dọn dẹp từng chút một, sau khi chuyển hết đồ đạc đi rồi hãy dọn dẹp lại một lần nữa những khu vực mà bình thường ít khi chạm đến.
[Bước 6] Bàn giao nhà và chìa khóa
Tại bước này, người thuê nhà và người cho thuê nhà (công ty môi giới bất động sản, công ty quản lý bất động sản hoặc chủ nhà) sẽ cùng xác nhận lại tình trạng ngôi nhà xem có hỏng hóc, trầy xước hay vết bẩn… hay không. Sau khi cả hai bên thông nhất ý kiến về tình trạng căn nhà khi bàn giao thì sẽ ký tên vào biên bản xác nhận và bàn giao chìa khóa nhà.
[Bước 7] Thanh toán tiền đặt cọc
Dựa trên kết quả bàn giao nhà, chủ nhà sẽ tính toán các chi phí cần thiết để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của ngôi nhà, cũng như tỷ lệ mà chủ nhà hay người thuê nhà phải chịu là bao nhiêu, sau đó tiến hành hoàn lại tiền đặt cọc cho người thuê. Trường hợp số tiền người thuê cần chi trả để khắc phục hỏng hóc lớn hơn tiền đặt cọc thì người thuê cần thanh toán thêm khoản chênh lệch đó.
Trên đây là “Trình tự từ khi tìm nhà đến khi dọn vào nhà mới”. Nếu bạn nắm được quy trình hủy hợp đồng thuê nhà và chuyển đi này thì tôi nghĩ việc chuyển nhà của bạn sẽ rất suôn sẻ.
Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu phần cuối cùng trong chuỗi bài về quá trình chuyển nhà ở Nhật Bản, “Các thủ tục cần thiết khi chuyển nhà”. Các bạn hãy theo dõi blog của Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo thường xuyên để đọc bài viết sớm nhất nhé.
[Nhân viên người Việt Nam – M]