Một số cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể bạn nên nhớ nếu sống ở Nhật Bản - 神戸東洋日本語学院

Một số cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể bạn nên nhớ nếu sống ở Nhật Bản - Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo

Học viện Nhật ngữ Kobe Toyo

Một số cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể bạn nên nhớ nếu sống ở Nhật Bản

Con người có nhiều cách truyền tải thông tin khác nhau ngoài lời nói, chẳng hạn như bằng nét mặt hay cử chỉ. Ngay cả khi không hiểu ngôn ngữ, bạn vẫn có thể thông qua các chuyển động cơ thể để truyền đạt điều mình muốn nói. Tuy nhiên, ý nghĩa của cử chỉ, điệu bộ đó lại khác nhau tùy theo từng quốc gia, nên trong giao tiếp việc sơ ý làm đối phương tức giận bởi ngôn ngữ cơ thể không phù hợp là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì vậy, trong phạm vi bài biết này tôi đã chọn ra một số cử chỉ, điệu bộ mà thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp ở Nhật Bản để giới thiệu tới các bạn.

① Dùng ngón trỏ chỉ về phía mũi của mình

Cử chỉ này được dùng khi đề cập đến bản thân, nó được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản nhưng có thể gây khó hiểu đối với nhiều người nước ngoài. Ở các nước Âu Mỹ, mọi người thường dùng lòng bàn tay áp lên ngực khi muốn nhắc tới bản thân, nhưng ở Nhật Bản, hành động chỉ ngón trỏ vào về phía mũi của mình phổ biến hơn.

② Hành động vẫy tay mời, gọi

Để vẫy gọi, người Nhật thường hơi đưa tay ra trước, hướng lòng bàn tay về phía đối phương, giữ nguyên cổ tay và di chuyển bàn tay lên xuống. Các chú mèo thần tài maneki-neko chính là hình ảnh giúp các bạn dễ hình dung về hành động này. Ở các nước Âu Mỹ, họ sẽ dùng hành động tương tự nhưng lòng bàn tay sẽ hướng lên và di chuyển bàn tay về phía mình.

Tuy nhiên, thói quen này của người Nhật này lại khá giống với một cử chỉ phổ biến ở Đức nhưng mang ý nghĩa ngược lại, tức là: “hãy đi ra phía kia”. Do đó, nếu bạn sử dụng nó khi không hiểu đúng ý nghĩa thì có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu.

③ Hành động phẩy tay phía trước mặt

Cử chỉ phẩy tay trước mặt dùng khi muốn từ chối hay phủ định một điều gì đó. Hành động này khá đơn giản nhưng lại mang nhiều hàm ý khác nhau và được sử dụng trong rất nhiều ngữ cảnh, ví dụ như khi bạn muốn nói rằng “không phải tôi”; nó còn có nghĩa là “sai rồi”, khi bạn có suy nghĩ khác với đối phương; “không thể làm được”, khi được hỏi có thể làm được hay không; “tôi không cần” khi được đề nghị một thứ dịch vụ nào đó…

Tuy nhiên, ở các nước Âu Mỹ, hành động này lại được hiểu là “có mùi khó chịu”.

④ Ngón trỏ và ngón cái khum lại thành một hình tròn

Ở Nhật, dấu hiệu này có ý nghĩa là “tiền” hoặc “OK”. Tuy nhiên, ở Brazil và một số nước châu Âu, dấu hiệu này lại mang hàm ý cực kỳ xấu và thất lễ. Bởi vì dấu hiệu này không hề được sử dụng với ý nghĩa xấu ở Nhật Bản, nên nếu người Nhật có dùng dấu hiệu này với bạn thì cũng đừng cảm thấy khó chịu nhé!

⑤ Hành động đưa hai cánh tay vòng qua đầu tạo thành hình tròn

Hành động này mang ý nghĩa khẳng định, chẳng hạn như là “chính xác”, “quyết định thế nhé”, “được nha”, “có”,...

⑥ Hành động dùng hai cánh tay bắt chéo trước mặt

Hành động này được dùng với ý nghĩa phủ định, ví dụ như “không được”, “không có”,…

⑦ Hành dộng giơ ngón tay út

Khi người Nhật dùng dấu hiệu này tức là họ đang ngầm nhắc đến người yêu, tuy nhiên ở Trung Quốc dấu hiệu này lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác, ngược lại với dấu hiệu giơ ngón tay cái dùng để chỉ người xuất chúng, dấu hiệu giơ ngón tay út lại mang hàm ý chỉ người tầm thường, thể hiện sự khinh miệt.

Việc biết về những quy tắc cư xử của nơi mà đối phương sinh ra và lớn lên cũng chính là cầu nối để hai bên hiểu rõ hơn về văn hóa của đất nước của nhau. Vì thế, chúng ta hãy lưu ý ngôn ngữ cơ thể của mình để có thể giao tiếp trôi chảy mà không vô tình xúc phạm hay có những hành động, cử chỉ phản cảm nhé!

[Giáo viên người Việt Nam - M]

single